16 thg 12, 2013

CEO Cao su Việt: “Cạnh tranh với chính mình”

CEO Cao su Việt: “Cạnh tranh với chính mình”

(Bài đăng trên Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp, Thứ Hai, 16/12/2013 - 09:23)

(DĐDN) -Kinh doanh trong ngành sản xuất cao su kỹ thuật với hàng ngàn DN lớn – nhỏ, nội– ngoại, để không phải chịu áp lực cạnh tranh mà vẫn có thể phát triển và tìm được chỗ đứng riêng, doanh nhân Nguyễn Tường Linh – nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giámđốc điều hành Cty Cao su Việt chọn cho mình con đường cạnh tranh mà... không cạnh tranh.


Ông Nguyễn Tường Linh, Chủ tịch kiêm GĐĐH Cty Cao su Việt 
tại buỗi giới thiệu sản phẩm máy rót PU và máy mài trục chuyên dùng


Chọn chỗ trống để tránh cạnh tranh

- Ở VN, nói đến công nghệ phụ trợ, ai cũng nghĩ rằng đang kém phát triển. Riêng với ngành sản xuất cao su kỹ thuật, lại đang có quá đông DN cùng kinh doanh. Áp lực trong ngành có lớn, thưa ông ?

Nghề này với tôi đã lâu, nhưng cũng vẫn là nghề mới. 23 năm trong nghề, đã làm, và làm đểsống, tôi không có quan niệm đây là một nghề kinh doanh. Cũng vì vậy mà không nghĩ mình là một doanh nhân, phải có các bí quyết, nghệ thuật kinh doanh bài bản. Cứ theo nghề, nghề cho kinh nghiệm và lòng yêu việc. Thành ra không thấy có quá nhiều áp lực. Có lẽ cũng vì Cao su Việt kinh doanh ở quy mô nhỏ, không phải là một DN lớn.


Quy mô nhỏ, nhưng theo như ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM - Cao su Việt đã và đang làm được những cái DN khác chưa, và không làm….


23 năm trước, tôi cũng không định hướng là mình sẽ làm những gì mà DN khác chưa làm, hoặc không làm. Sau một thời gian nhìn lại, xem thêm sách vở, lí thuyết, thì cũng thấy hóa ra mình đang làm cái điều khác biệt (cười). Hay là các DN lớn, nhỏkhác cũng vậy? Cái mà Cao su Việt làm do DN khác chưa làm, hoặc không làm, có lẽlà do khi khởi đầu, chúng tôi biết mình không thể bắt chước, rập khuôn theo DN khác được, vì mình không lớn như họ, không có tiềm lực như họ. Khi không được như họ thì mình theo cách của mình, đi vào các ngách, thậm chí chỗ “xương” chi phí cao mà lợi nhuận thấp. Hơn nữa, kinh doanh cũng như bóng đá, bóng chuyền, các bàn thắng đều được kiến tạo từ khoảng trống. Biết chiếm chỗ trống là sẽ được làm cái không ai làm.


- Ông có thể lấy ví dụ thực tiễn “chiếm khoảng trống” của Cao su Việt ?

Có rất nhiều cách để chọn các khoảng trống. Chẳng hạn chúng tôi chọn khoảng trống khai thác các ứng dụng, phẩm chất mới của hàng hóa bằng cách nhận pha chế những đơn hàng một chiếc. Đôi khi có DN có dàn máy chỉ hư mỗi một chiếc gioăng cao su, cảguồng máy phải dừng nhưng khi đặt hàng một chiếc thì chi phí cao không nhà máy nào nhận - chúng tôi nhận. Hay đầu tư một Phòng thử nghiệm cao su kỹ thuật hợp chuẩn quốc tế, rất tốn kém về chi phí ban đầu lẫn vận hành thường xuyên mà kết quả nhìn thấy khá “vô hình”, cũng chưa DN nào muốn làm - Cao su Việt xây dựng. Chúng tôi quan tâm từ trước đây 3 năm, chọn đề tài nghiên cứu cao su thực phẩm và nhiều đơn pha chế phù hợp tiêu chuẩn Nhật Bản, được xây dựng từ cao su thiên nhiên cho đến hầu hết cao su nhân tạo. Với khâu bán hàng cũng vậy, thay vì bán hàng bằng giá thành sản xuất cộng thêm một phần lãi như công thức, chúng tôi chọn cách chia giá bán. Giá thành đơn hàng mười đồng, mình bán bốn, khách hàng chọn mình vì chi phí “dễ chịu” mà chất lượng vẫn đảm bảo. Sau đó họ quay lại với mình lần thứ hai, ba… Đến đơn hàng sau thì mình có lãi, khách hàng cứ thế gắn bó với mình. Tạo thành mối quan hệ thân thuộc, thành cái duyên gặp nhau…


Chọn chỗ trống không có nghĩa là triệt tiêu được cạnh tranh. Xu thế thời nay, hễ chỗ nào có người làm “ngon ăn”, thì sẽ có người khác, DN khác cũng nhảy vào làm…

Ở Cao su Việt, chiếm những khoảng trống là “tìm hiểu những nơi có hàng hóa có mặt, chứkhông phải nơi đồng nghiệp có mặt”. Đồng thời, tạo nên những hàng hóa mới chưa từng có trước đó. Không có cuộc cạnh tranh nào không hẳn là không cạnh tranh, mà đơn giản chỉ là sự lựa chọn. Chọn chỗ trống mà đi. Chỗ trống rộng thì ít va chạm, cũng ít cạnh tranh. Chỗ trống mình đã chiếm, một đôi khi, đồng nghiệp lại lấn sân, mình lại tìm chỗ trống khác. Mình chỉ cạnh tranh với chính mình, để luôn tự hoàn thiện.

Tôi không quan niệm với các DN cùng ngành, cứ luôn phải cạnh tranh sống mái một mất một còn, loại bỏ để tồn tại. Hình như cuộc sống luôn có cái đối trọng – một trong những đối trọng đó là: DN này tồn tại, thì DN kia tồn tại.


- Thực tế, có DN nào đã nhảy vào chỗ trống Cao su Việt chọn trước, mà sau đó vẫn... là đồng nghiệp song hành cùng Cao su Việt, thưa ông ?

Cách đây khá lâu, có một DN đẩy chúng tôi phải rời hầu hết “chỗ trống” của mình. Không phải chỉ một lần. Nhưng, cuộc sống vốn dĩ, luôn còn nhiều, có nhiều khoảng trống. Mà hình như những khoảng trống lại nhiều hơn những nơi vật chất chiếm chỗ. Vì thế, sau 3 năm, chúng tôi lại ổn định lại “khoảng trống mới” của mình. Người ta hay dùng chữ “bỏ thành”. Đối với chúng tôi, thì đó là một sự luân chuyển thú vị.Cũng như bóng đá thôi. Cuộc sống luôn cần di chuyển và cố gắng mình là người đầu tiên. Có những “bạn đồng hành” sẽ giúp mình nhận ra chỗ mình đứng.

Cắm rễ vào đất

- Ngày càng có nhiều DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ vào VN, đi theo các DN đầu tư sản xuất lớn. Điều đó có khiến Cao su Việt bị hạn chế cơ hội tiếp cận DN FDI ?

Có chứ!Một số DN nước ngoài thường sẽ có xu hướng chọn DN cung cấp sản phẩm hỗ trợ từDN quốc gia họ. Nhưng cũng có điều lạ, là ngay các DN nước ngoài, lại “chuyển”hàng của Cao su Việt “đi nước ngoài”, thay vì hàng hóa của nước họ - có lẽ vì có điều gì đó về giá và chất lượng. Nhiều DN FDI tại Việt Nam hiện nay, đã chọn hàng hóa sản xuất từ Việt Nam. Thật đáng mừng.
Đây là niềm vui cho các DN ngành phụ trợ như chúng tôi.


- Như vậy, không thể nói là ông không có chiến lược cạnh tranh ?

Tôi cảm nhận về ba yếu tố trong cạnh tranh: chất lượng, giá và “một thứ khác”. Trong đó, yếu tố chất lượng là đứng đầu. Thực ra có nhiều thứ khác vô hình, đã ẩn phía sau yếu tố chất lượngđó – một trong số đó là niềm tin của người sử dụng. Một khi đã tạo được niềm tin, lòng yêu quý thì khách hàng có thể góp ý, hỗ trợ và cùng mình để hoàn thiện sản phẩm. Ba yếu tố cạnh tranh luôn đổi ngôi trong quá trình luân chuyển sản phẩm. Vì đổi ngôi, nên yếu tố nào cũng quan trọng. Rất quan trọng là khác.


- Mới đây, Cao su Việt đã đầu tư một số vốn lớn, các thiết bị thế hệ mới cho dòng sản phẩm Polyurethane (PU)- được đánh giá là rất tiềm năng ở thị trường thế giới.Đã có DN đặt hàng các sản phẩm này chưa, thưa ông ?

Đầu tưcác thiết bị thế hệ mới cho dòng sản phẩm PU với quy trình khép kính bao gồm: Thiết bị sản xuất khuôn mẫu, máy rót PU và máy mài trục tự động, chính là Cao su Việt muốn sẵn sàng cho thời điểm nền kinh tế hồi phục. Năm 2013, hơn 3.000 khách hàng DN giao dịch với chúng tôi. Doanh số của chúng tôi vẫn tăng đều mặc dù kinh tế đang rất khó khăn và không ít DN phải tiết giảm mọi chi phí hoạt động. Hơn nữa, chúng tôi cũng muốn song hành cùng việc sản xuất theo cách… thủ công, phục vụ “đơn hàng một cái” , và để hòa nhịp xu thế thị trường, cũng nên đầu tư thiết bị có thể sản xuất nhanh số lượng lớn, ổn định chất lượng và được kiểm soát. Đó là một cách tự hoàn thiện mình trên lối riêng.

Tại thời điểm hiện nay, sau hơn một tháng ra mắt thiết bị mới, trong quá trình chạy thử,chúng tôi lại phát hiện ra các “khoảng trống mới”. Đó là do thiết bị có công suất lớn, nên đơn hàng được rút ngắn rất nhanh. Thời gian sản xuất giảm được 10 lần. Máy mài trục cao su cũng vậy, thời gian mài chỉ 2 tiếng cho các trục lô có bề mặt phức tạp, thay vì 20 tiếng như trước kia. Khoảng trống thời gian đợi này, chúng tôi đang sẵn sàng cho một thời kỳ mới của nền kinh tế VN.


- Nghe nói, ông đầu tư các thiết bị này cũng là để phát triển thêm thị trường xuất khẩu... Mà tại sao không, khi sản phẩm của Cao su Việt cũng đã có đường đi ra thế giới ?

Tôi không nghĩ là luôn để kế hoạch đè nặng mình. Việc mở rộng hay càng đi sâu hơn trên sân nhà, “nó sẽ tự quyết định”, như một đứa con mình đã chuẩn bị cho nó vào đời. Cần phải chuẩn bị một cách sống, cách ứng xử và trải nghiệm của nhân viên; khả năng thiết bị, công nghệ và nhất là hiểu được mình đang ở đâu thì nhà máy cứ thế mà vận hành. Luôn làm tốt cho thị trường nội địa, luôn cố gắng phục vụ nhanh cho khách hàng đang đợi – còn việc xuất khẩu, thì đó là việc cũng xảy ra, nếu mình sẵn sàng.

Điều quan trọng nhất, tự mình làm cho mình mạnh lên. Như cái cây luôn cắm rễ sâu vào đất và tìm thứ nuôi mình. Hạ xuống, tìm cách tự đứng vững là cách phổ biến mà thiên nhiên đã làm. Chúng tôi quan sát và học hỏi thiên nhiên. Tìm sự cân bằng trong lựa chọn. Khỏe thì tiến lên. Mệt thì dưỡng. Đôi khi dừng lại cũng là đi. Mọi việc kiểm soát, thấy rõ… Đã là đi tới!
Tôi nuôi hoài về ý tưởng, công ty sống được mà vẫn thư nhàn: “cạnh tranh mà không cạnh tranh”.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!


Thành lập năm 1990, Cao su Việt là một trong số ít những DN sản xuất cao su kỹ thuậtđi tiên phong lập Phòng thử nghiệm Cao su kỹ thuật hợp chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 từ năm 2010. vLAB, phòng thử nghiệm này vừa được Văn phòng công nhận chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận duy trì hợp chuẩn cho 3 năm tiếp theo tới 2016. Ngoài sản phẩm thành công từ nghiên cứu của Phòng vLAB “Da cao su tách xương cá ngành sản xuất Surimi”, Cao su Việt hiện đang cung cấp các sản phẩm cao su kỹ thuật nguyên liệu từ cao su, Polyurethane, đặc biệt cao su phù hợp thực phẩm trong ngành sữa cho hầu hết các DN ngành sữa VN.

Lê Mỹ thực hiện
http://dddn.com.vn/doanh-nhan/ceo-cao-su-viet-canh-tranh-voi-chinh-minh-20131212024919558.htm